Xử lý rác thải y tế như thế nào để không gây ô nhiễm?

Rác thải y tế ngày càng gia tăng, đặc biệt là sau dịch COVID-19, đòi hỏi cần phải quản lý tốt để giảm thiểu tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe.
23-11-2022
08:16

>> Thu gom xử lý rác thải công nghiệp

>> Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường

>> Đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại

Dịch bệnh COVID-19 khiến các cơ sở y tế và dịch vụ y tế phải hoạt động với tần suất tối đa. Lượng chất thải phát sinh từ quá trình hoạt động này vì thế mà ngày càng gia tăng. Do đó, cần phải quản lý tốt rác thải y tế để giảm thiểu tối đa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

Theo thống kê, mỗi ngày có hàng trăm tấn chất thải được phát thải từ các bệnh viện gây nguy hại đến môi trường xung quanh. Chính vì vậy, hộp thư “Giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường và hành động của bạn” số 3 của Kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm sẽ lấy chủ đề là “Xử lý rác thải y tế như thế nào để không gây ô nhiễm” nhằm cung cấp thông tin hữu ích cho người dân về việc xử lý rác thải đúng cách.

Với chủ đề này, hộp thư “Giảm thiểu ô nhiễm. Bảo vệ môi trường và hành động của bạn” nhận được rất nhiều sự quan tâm của quý vị thính giả trên cả nước.

Thông qua đường dây nóng 0243.773.8989, hộp thư nhận được câu hỏi của thính giả Duy Anh ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định với nội dung như sau:

"Từ khi có dịch COVID-19, lượng rác thải y tế như khẩu trang, găng tay, mũi truyền, mũi tiêm… ở chỗ tôi phát sinh rất nhiều. Tuy nhiên, có những nhà sau thời gian cách ly họ lại chôn số rác thải đó. Tôi muốn hỏi chương trình, xử lý như vậy có đúng không? Nếu không xử lý đúng sẽ ảnh hưởng thế nào?"

Rác thải y tế gia tăng sau dịch COVID-19
Rác thải y tế gia tăng sau dịch COVID-19

Vơi câu hỏi này, Ths. Nguyễn Thị Tuyết Mai - Giảng viên trường Đại học Tài nguyên và Môi trường đưa ra câu trả lời như sau:

"Đây là những rác thải y tế lây nhiễm, nếu không được xử lý đúng cách sẽ trở thành nguồn lây lan dịch bệnh ở trong cộng đồng nên phải xử lý đúng cách. Đối với rác thải y tế lây nhiễm ở các khu cách ly, việc chôn rác thải cần phải có quy trình rất ngặt nghèo, gọi là chôn lấp rác thải nguy hại.

Còn nếu chôn lấp thông thường thì đó là cách xử lý không đúng. Quy trình đúng để xử lý rác thải y tế lây nhiễm này thường là thiêu đốt trong lò thiêu đạt chuẩn, đúng kỹ thuật để tiêu diệt hết mầm bệnh".

Các hành vi xử lý rác thải nguy hại không đúng cách sẽ bị xử lý theo quy định. Theo đó, hành vi chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt chất thải nguy hại trái quy định về bảo vệ môi trường, trừ các trường hợp hành vi tội phạm về môi trường bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt dưới 100 kg chất thải nguy hại;

Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt từ 100 kg đến dưới 250 kg chất thải nguy hại;

Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với trường hợp chôn, lấp, đổ, thải hoặc đốt từ 250 kg đến dưới 500 kg chất thải nguy hại.

Do vậy, người dân không nên vứt rác thải y tế bừa bãi mà cần có quy trình thu gom rác thải để xử lý theo đúng quy định.

Tiếp theo chương trình, thính giả nguyennh.297@gmail.com gửi qua email của chương trình là vovfm89.vn@gmail.com với câu hỏi như sau:

"Gia đình tôi có ông bà lớn tuổi, bị tiểu đường nên phải thường xuyên sử dụng kim tiêm để tiêm thuốc. Không biết rằng trước khi tôi mang ra thùng rác sẽ phải xử lý trước kim tiêm như thế nào? Chương trình có thể giải đáp cho tôi được không? Xin cảm ơn chương trình".

Xử lý rác thải y tế sắc nhọn như bơm kim tiêm cần hết sức cẩn trọng.
Xử lý rác thải y tế sắc nhọn như bơm kim tiêm cần hết sức cẩn trọng.

Để giải đáp thắc mắc này của thính giả, hộp thư đã liên hệ với bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội) để trả lời:

"Đầu tiên, bạn hãy mua hộp chuyên đựng đồ sắc nhọn đã được quy định của Bộ Y tế. Đó là các hộp màu vàng, có quai kèm theo hệ thống cố định để tránh bị đổ khi di chuyển ra bên ngoài. Để mua các hộp này bạn có thể liên hệ với các cơ sở y tế. Nếu mà không mua được hộp đó thì có thể để trong hộp cứng, có nắp kín, tránh bị đâm thủng.

Chúng ta không nên để đầy cái bình, chỉ để ¾ thôi. Sau đó, chúng ta dán nhãn hộp đựng đấy, ghi hẳn là vật sắc nhọn, nguy hiểm, không tái chế để tránh trường hợp là người thân hay trẻ em tác động vào. Sau đó, chúng ta sẽ mang đi đến cơ sở y tế gần nhất.

Lưu ý rằng không nên để vật sắc nhọn hoặc kim tiêm đấy vào túi nhựa, túi giấy hay thùng carton, hộp thủy tinh bởi khi chúng bị vỡ ra thì rất nguy hiểm. Thêm nữa là đừng để những vật sắc nhọn đấy vào bao kín hay xả xuống bồn cầu, tránh cắt hay bẻ cong và tránh để vật sắc nhọn vào thùng rác sinh hoạt hàng ngày".

Bình luận

Facebook Chat
Mở Khung