Cần xử lý dứt điểm các lò sấy cà-phê gây ô nhiễm môi trường ở Đắk Nông
>> Thu gom xử lý rác thải công nghiệp
>> Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường
>> Đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại
Niên vụ 2021-2022, tỉnh Đắk Nông có hơn 130.000 ha cà-phê, sản lượng ước đạt trên 330.000 tấn. Cà-phê thường cho thu hoạch rộ vào các tháng 10, 11 và 12, đây cũng là thời điểm Tây Nguyên có mưa kéo dài.
Từ các lò sấy cà-phê tự phát, khói, bụi cùng với mùi khét bao trùm cả khu dân cư làm xáo trộn cuộc sống và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trong khu vực.
Hiện, Đắk Nông đang vào chính vụ thu hoạch cà-phê nên hàng trăm lò sấy cà-phê tự phát cũng đang hoạt động hết công suất, chỉ tính riêng ở huyện Đắk Mil đã có khoảng 330 lò rang, sấy cà-phê, bình quân một lò sấy có công suất khoảng 14 tấn. Các lò sấy hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm, nguyên liệu chủ yếu để đốt lò là các phụ phẩm nông nghiệp như cùi ngô, vỏ ngô, vỏ cà-phê,... kéo theo lượng lớn khói, bụi thải ra môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, làm xáo trộn cuộc sống của người dân chung quanh. Đặc biệt, tại khu vực có Quốc lộ 14 đi qua, khói bụi tràn cả ra đường khiến các phương tiện giao thông bị hạn chế tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Thực trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay, chính quyền các cấp và ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, xử lý. Gần nhất, vào tháng 2 năm nay, các cơ quan chức năng đã xử phạt 3 chủ lò sấy với tổng số tiền gần 200 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động 3 tháng. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn cũng được các cơ quan chức năng thường xuyên thực hiện đối với các hoạt động sấy cà-phê nhưng đến nay thực trạng này vẫn tiếp tục tái diễn.
Nếu chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không mạnh tay xử lý, có biện pháp giải quyết dứt điểm thì việc ô nhiễm về khói bụi, mùi hôi khét từ hoạt động của các lò sấy cà-phê tự phát vẫn tiếp tục làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân