Bao giờ thay thế chôn lấp lạc hậu, kém vệ sinh?
>> Thu gom xử lý rác thải công nghiệp
>> Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường
>> Đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại
80% bãi chôn lấp chưa hợp vệ sinh
Báo cáo của Bộ TN&MT cho biết, thời gian qua, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ước tính lượng phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10% - 16% mỗi năm. Mặc dù, tỷ lệ thu gom vẫn tăng hàng năm, nhưng do lượng phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải, đặc biệt là CTRSH tại nhiều địa phương còn thấp. Phần lớn tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chiếm 71%) nhưng chỉ có 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh.
Ông Phạm Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Trung – Tây Nguyên (Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT) cho rằng, đối với khu vực miền Trung – Tây Nguyên, thống kê năm 2021, tổng lượng CTRSH hoạt trên địa bàn các tỉnh trong khu vực này phát sinh khoảng 8.500 tấn/ngày. Năm 2021, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Đà Nẵng phát sinh khoảng 1.027 tấn/ngày.
Phần lớn rác thải tại các đô thị nước ta đều sử dụng phương pháp chôn lấp lạc hậu
Rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải sinh hoạt tại nông thôn hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; mới chỉ được thực hiện tại một số địa phương và vẫn mang tính khuyến khích. Riêng khu vực Miền Trung – Tây Nguyên mới chỉ có 4/14 tỉnh, thành gồm Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Định và Quảng Nam đã từng thí điểm phân loại rác tại nguồn. Rác thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý hiệu quả; vẫn còn 17% rác thải nông thôn chưa được thu gom và thải bỏ ra môi trường xung quanh. Chôn lấp vẫn là phương pháp được áp dụng phổ biến; 70% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp nhưng chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã; Ước tính có gần 3 triệu tấn rác thải nhựa phát sinh trong năm 2020, một lượng lớn trôi nổi trên sông, hồ, vùng đất ngập nước cửa sông, ven biển.
Những năm gần đây, khu vực miền Trung – Tây Nguyên có khoảng 173 cơ sở xử lý/bãi chôn lấp CTRSH. Trong đó, tỷ lệ các công nghệ được áp dụng tại các cơ sở xử lý là: chôn lấp hợp vệ sinh (30%), đốt (10%), sản xuất phân vi sinh (7%), tái chế (2%). Các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh lại chiếm tỷ lệ lớn (51%), tương đương với 102 bãi. Do đó không đảm bảo các yêu cầu kĩ thuật, vệ sinh môi trường và các bãi chôn lấp chưa được đầu tư hệ thống xử lý khí thải và nước rỉ rác.
Cần cơ chế để thu hút đầu tư xử lý rác
Tại Hội thảo và triển lãm quốc tế về giải pháp và công nghệ xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam, nhiều đại biểu cho rằng, cần giải quyết các vướng mắc về cơ chế để hỗ trợ ngành xử lý rác Việt Nam, tạo ra con đường thuận lợi để đạt mục tiêu giải quyết việc xử lý rác được như mong đợi đề ra tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Cần tạo cơ chế để thu hút đầu tư công nghệ xử lý rác
Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước- Môi trường Bình Dương cho rằng, hiện nay, cơ chế, chính sách liên quan đến xử lý rác còn rất thiếu và yếu, nên các chính quyền địa phương, doanh nghiệp lúng túng. Vì thế, việc xử lý rác không có lối ra, không có đường đi rõ ràng. Chúng ta khuyến khích đầu tư, xã hội hóa nhưng chưa hướng dẫn cụ thể thì ai sẽ thực thi, thực thi như thế nào? khuyến khích ưu đãi nhưng chưa nêu cụ thể ưu đãi cái gì? Điều này dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau: ODA, vốn tư nhân… nhưng phát triển cũng không bền vững. Sau một thời gian vận hành thì các nhà máy xử lý rác cũng dừng hoạt động vì thu không đủ chi; máy móc, thiết bị hư hỏng không có kinh phí sửa chữa.
Một số lò đốt rác nói là công nghệ tiên tiến nhưng khí thải không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, hoặc tro, xỉ tro cháy không triệt để, còn tỉ lệ lớn khó xử lý, số này lại chuyển thành rác nguy hại, lại phải đi chôn lấp, xử lý lại chi phí rất lớn.
Với kinh nghiệm là đơn vị thực hiện thu gom xử lý rác tại Bình Dương, ông Thiền kiến nghị Bộ Tài chính cần xây dựng khung giá cho xử lý rác, cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ như ưu tiên sử dụng sản phẩm tái chế khi thị trường có cùng sản phẩm; bảo trợ, hỗ trợ, bù giá để giảm giá thành sản phẩm tái chế, giúp thị trường dễ tiêu thụ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu trình Chính phủ ra quyết định các cơ chế chính sách để hỗ trợ ngành xử lý rác Việt Nam, tạo ra con đường thuận lợi để đạt mục tiêu giải quyết việc xử lý rác được như mong đợi đề ra tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Cần khuyến khích tái chế, sử dụng qua nhiều vòng trước khi tiêu hủy bằng phương pháp đốt hay phương pháp khác.
Phân loại rác thải tại nguồn vẫn được xem là giải pháp ưu tiên trước mắt
Ông Nguyễn Quốc Công, đại diện Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cho rằng, cần tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật và công nghệ đáp ứng tốt cho thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo quy định của pháp luật; Thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong quản lý CTRSH. Bên cạnh đó, phân loại tại nguồn như hộ gia đình hay tại cơ sở chủ nguồn thải. Chính quyền địa phương và đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom xác định vị trí phân loại tại khu vực. Đặt trạm trung chuyển, ở đó phải có cấu trúc xây dựng phù hợp giảm thiểu mùi hôi và đảm bảo khoảng cách vệ sinh...
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, công tác quản lý chất thải, đặc biệt là CTRSH là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương. Việc đề xuất được các giải pháp đồng bộ từ mô hình quản lý, mô hình công nghệ xử lý chất thải nhằm kiểm soát, giải quyết được bài toán xử lý triệt tỉnh trạng ô nhiễm môi trường do chất thải là vấn đề hết sức cấp thiết.