Đấu tranh mạnh với hành vi chôn lấp chất thải công nghiệp trái phép
>> Thu gom xử lý rác thải công nghiệp
>> Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường
>> Lập hồ sơ GPMT và Đăng ký môi trường
Thủ đoạn chính của tội phạm môi trường là hợp thức hóa nguồn thải bằng các hợp đồng thu gom với các đơn vị có chức năng để xử lý nhưng thực chất là giao lại cho các cơ sở thu mua phế liệu mang đi chôn lấp trái phép…
Trưa 23/11/2022, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra 2 xe ôtô tải BKS 51D-124.21 và 51D-302.24 đang lưu thông đến khu vực trạm thu phí Suối Giữa (Thủ Dầu Một), chở vải vụn, nilon, giấy carton (tổng cộng gần 16 tấn) là chất thải công nghiệp thông thường nhưng phương tiện vận chuyển không đảm bảo quy định nên lập biên bản tạm giữ 2 phương tiện.
Xe tải chở chất thải công nghiệp tại Bình Dương bị phát hiện.
Qua xác minh được biết, 2 xe ôtô tải trên là của Công ty cổ phần Vận tải Quân Vũ (trụ sở đặt tại phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), ngành nghề kinh doanh là mua bán phế liệu. Công ty cổ phần Vận tải Quân Vũ là chủ sở hữu đối với Công ty TNHH Tuấn Đạt, trụ sở tại xã An Điền, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, ngành nghề hoạt động là xử lý chất thải.
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, Công ty TNHH Tuấn Đạt có nhiều vi phạm trong lĩnh vực môi trường, phòng cháy, chữa cháy và các lĩnh vực khác và đã bị UBND tỉnh Bình Dương 2 lần xử phạt hành chính với số tiền 332 triệu đồng. Giấy phép hành nghề xử lý chất thải nguy hại Công ty TNHH Tuấn Đạt đã hết giá trị ngày 12/6/2022 nhưng cho đến nay chưa được gia hạn giấy phép.
Trước đó, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Bình Dương phối hợp cùng Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an kiểm tra địa điểm chôn lấp chất thải tại ấp 5, xã Tân Long, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương có tổng diện tích gần 29 ngàn m2 do ông Hứa Đông, Giám đốc Công ty Môi trường Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) làm chủ. Qua đó, đoàn kiểm tra phát hiện ông Hứa Đông đã chỉ đạo các đối tượng khác chôn lấp khoảng 5.000 tấn chất thải chưa qua xử lý.
Ông Đông thừa nhận đã đứng ra thu gom, vận chuyển, xử lý các loại chất thải của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khác; sau đó vận chuyển chất thải về thửa đất nêu trên để chôn lấp. Nhằm đối phó với cơ quan chức năng, ông Đông cho xây dựng hàng rào cao xung quanh thửa đất và bố trí người canh giữ khu đất để không cho người lạ đến gần.
Cách địa điểm này không xa là bãi chôn lấp chất thải rắn của bà Dương Thị Vân ở ấp 7, xã Tân Long, huyện Phú Giáo. Vào thời điểm kiểm tra, cơ quan Công an phát hiện trên khu đất của bà Vân có 9 điểm đổ, chôn lấp chất thải trái phép (gồm da vụn, vải vụn, rìa/eva đế giầy, tro xỉ…) với tổng trọng lượng 2.178 tấn. Cơ sở này không có chức năng, hồ sơ pháp lý về môi trường.
Theo Công an tỉnh Bình Dương, trong 9 tháng đầu năm 2022, lực lượng Cảnh sát môi trường trên toàn tỉnh đã phát hiện 729 vụ việc vi phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm và đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 30 tỷ đồng. Hành vi chôn lấp chất thải trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường thuê, mua các bãi đất trống, sau đó xây dựng hàng rào cao xung quanh để chôn, lấp chất thải. Nhiều doanh nghiệp là chủ nguồn thải dùng chiêu đối phó là ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để xử lý rác thải, nhưng thực tế không giao chất thải cho các đơn vị đã ký hợp đồng mà giao cho các cơ sở thu mua phế liệu đem đi đổ hoặc tự chôn lấp tại công ty để giảm chi phí xử lý. Các đơn vị thu mua phế liệu sau khi nhận rác thải thì cho công nhân phân loại, những loại còn tái sử dụng được thì đem bán, những loại không sử dụng được thì đem đổ vào những bãi đất trống, hầm đất đã khai thác mà không qua bước xử lý nào.
Đối với chất thải nguy hại cũng vậy, cũng được ký hợp đồng xử lý hẳn hoi nhưng cuối cũng chất thải cũng được đưa vào vựa phế liệu và đem đi chôn lấp trái phép. Mặt khác, một số đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại, sau khi tiếp nhận chất thải không vận chuyển về nhà máy để xử lý mà tập kết tại một kho chứa để phân loại, những loại chất thải còn tái sử dụng được sẽ bán cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, những loại chất thải không còn giá trị thì mới vận chuyển về nhà máy để xử lý.
Quá trình xử lý chưa đúng quy trình này cũng đã gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài. Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bình Dương cho biết, trong thời gian tới đơn vị sẽ đẩy mạnh công tác phát hiện và xử nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về môi trường.