Quản lý chất thải rắn sinh hoạt: TP. Hồ Chí Minh kiến nghị nhiều giải pháp
>> Thu gom xử lý rác thải công nghiệp
>> Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường
>> Đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại
100% chất thải rắn được thu gom, xử lý
Báo cáo với đoàn giám sát, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Hiện nay, khối lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 10.000 tấn/ngày. Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn được bảo đảm kịp thời, không để xảy ra tình trạng tồn đọng chất thải trong ngày. Hiện công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP.HCM đã được xã hội hóa 100%; tỷ lệ các công nghệ đốt, compost, tái chế áp dụng xử lý chất thải rắn tái sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM chiếm tỷ lệ khoảng 31%, còn lại 69% được chôn lấp hợp vệ sinh.
Đồng thời, TP.HCM đã và đang xây dựng lộ trình để triển khai phân loại chất thải rắn sinh tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. TP.HCM có 4 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý sang đốt phát điện đang triển khai. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị và tổ chức đoàn thể đã chủ động phối hợp trong việc tuyên truyền người dân trên địa bàn thành phố về giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần, vận động, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường để thay thế túi ni lông khó phân hủy
Công nhân vệ sinh môi trường TP.HCM thu gom rác thải sinh hoạt.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, giai đoạn 2016 - 2021, TP.HCM đã ban hành 26 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn. Nội dung các văn bản quy phạm pháp luật đã bám sát vào các quy định của Trung ương và dựa trên tình hình thực tế tại địa phương nên việc thực thi đạt hiệu quả cao.
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Là đô thị đặc biệt, dân số đông nên vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt luôn là thách thức đối với TP.HCM trong nhiều năm qua. Vì vậy, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý Nhà nước về chất thải rắn, tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát việc xử lý rác thải, bảo đảm việc xử lý rác thải trong ngày, không để tồn đọng.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, đến nay, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố còn bộc lộ một số hạn chế, cần phải nghiên cứu cải tiến theo cách mới. Trong đó, lực lượng thu gom rác dân lập còn hoạt động manh mún, việc chuyển đổi theo mô hình mới chưa đảm bảo kế hoạch đề ra; nhiều phương tiện thu gom rác không đảm bảo kỹ thuật môi trường; nhiều điểm tập kết rác còn nằm trong khu dân cư, bị người dân phản ánh về mùi hôi…
Kiến nghị tháo gỡ nhiều nội dung
Tại buổi làm việc, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng sớm xem xét, thẩm định, thông qua Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn 2050. Nghiên cứu điều chỉnh khoảng cách an toàn đối với các trạm trung chuyển nằm trong khu dân cư đáp ứng đầy đủ yêu cầu kỹ thuật, bảo vệ môi trường, có công nghệ ép rác kín, hiện đại, đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, sử dụng diện tích và dải cây xanh cách ly phù hợp điều kiện thực tế trên địa bàn TP.HCM.
Đồng thời, UBND TP.HCM kiến nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường quan tâm, hỗ trợ thành phố đưa ra các chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu và hỗ trợ trang bị bảo hộ lao động cá nhân vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Bộ TN&MT sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để áp dụng chung cho toàn quốc theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Bộ Công Thương sớm bổ sung các dự án đốt phát điện trên địa bàn TP.HCM vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia để chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết và triển khai khởi công xây dựng nhà máy đốt phát điện trong năm 2022.
UBND TP.HCM cũng kiến nghị các bộ, ngành sớm xây dựng, công bố suất vốn đầu tư và mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho công nghệ đốt rác phát điện thu hồi năng lượng làm cơ sở áp dụng, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Ngoài ra, UBND TP.HCM kiến nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và các bộ, ngành xem xét, tháo gỡ về mặt pháp lý để TP.HCM có thể đặt hàng đối với khối lượng tăng thêm của các đơn vị đang có hợp đồng xử lý rác của TP.HCM nhưng chuyển đổi công nghệ với công suất cao hơn công suất đã ký theo hợp đồng. Đồng thời, đối với khối lượng phát sinh thêm của TP.HCM thì UBND TP.HCM được tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công (Nhà nước cho thuê đất nằm trong khu liên hợp xử lý chất thải rắn) mà không phải thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).