Sơn La: Đình chỉ 2 cơ sở có hành vi xả thải cà phê không đúng quy định

 Trước thông tin về việc Trạm cấp nước số 1 thành phố Sơn La phải tạm dừng cấp nước do ô nhiễm nước thải cà phê, Sở TN&MT Sơn La đã thành lập 2 tổ kiểm tra tại khu vực đầu nguồn nước trên địa bàn 2 huyện, thành phố. Trước mắt, đã đình chỉ 2 cơ sở nhỏ lẻ chưa đảm bảo về môi trường; đang tiếp tục kiểm tra, rà soát với các cơ sở còn lại.
08-12-2020
14:58

 

>> Công ty Môi trường Chiêu Dương.

>> Lập báo cáo giám sát môi trường định kỳ

>> Nhận thu gom xử lí chất thải công nghiệp

Tổ kiểm tra số 1 kiểm tra tại cơ sở sơ chế, chế biến cà phê Quàng Văn Hồng
Tổ kiểm tra số 1 kiểm tra tại cơ sở sơ chế, chế biến cà phê Quàng Văn Hồng

Thành lập 2 tổ kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm

Tại TP Sơn La, tổ kiểm tra số 1 do bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT chủ trì, đã tiến hành kiểm tra tại cơ sở sơ chế, chế biến cà phê Quàng Văn Hồng tại bản Hôm, xã Chiềng Cọ. Qua kiểm tra, hộ gia đình chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với hoạt động sản xuất, sơ chế cà phê; chưa có kế hoạch bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền xác nhận; trong niên vụ năm 2020 – 2021 hộ gia đình thực hiện sơ chế cà phê bằng phương pháp ướt, nhưng không có sổ sách theo dõi khối lượng đã sản xuất. Nước thải cà phê không được xử lý đảm bảo quy định về môi trường mà được lưu chứa trong bể bằng gạch có thể tích 300m3 và 1 ao chứa được lót bạt HDPE khoảng 3.000m3.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang bơm nước từ bể xây bằng gạch lên ao chứa, mực nước trong ao có độ sâu khoảng 1m. Qua quan sát ao có hiện tượng bơm nước thải ra ngoài môi trường (theo vệt nước để lại trên mặt bạt HDPE). Theo ý kiến của ông Hồng, gia đình đã bơm nước thải để tưới cây tại nương của gia đình.

Tổ kiểm tra lập biên bản yêu cầu cơ sở dừng ngay hoạt động sản xuất, sơ chế cà phê từ 11 giờ ngày 5/12
Tổ kiểm tra lập biên bản yêu cầu cơ sở dừng ngay hoạt động sản xuất, sơ chế cà phê từ 11 giờ ngày 5/12

Tổ kiểm tra đã yêu cầu hộ gia đình dừng ngay hoạt động sản xuất, sơ chế cà phê từ thời điểm 11 giờ ngày 5/12 do hoạt động sản xuất, sơ chế cà phê không đảm bảo các quy định của pháp luật gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Giao UBND thành phố chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; giao các cơ quan liên quan nắm bắt tình hình, thường xuyên giám sát việc chấp hành dừng hoạt động của cơ sở, sử dụng biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh ngăn chặn và phát hiện các hành vi xả thải trái quy định.

Tổ kiểm tra của Sở TN&MT đã lấy các mẫu nước thải tại bể chứa nước thải của hộ gia đình để phân tích, đánh giá. Dự kiến sẽ có kết quả phân tích trong 5 ngày tới.

Tại huyện Thuận Châu, Tổ công tác số 2 đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tại xưởng chế biến cà phê của Công ty TNHH sản xuất và Thương mại Cát Quế tại bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi và một số hộ gia đình sản xuất, sơ chế cà phê khu vực đầu nguồn nước thành phố. Hiện nay, tổ vẫn đang tiếp tục kiểm tra và lập biên bản kiểm tra.

Trước mắt, theo thông tin từ huyện Thuận Châu, trong sáng 5/12, Đoàn kiểm tra của UBND huyện đã kiểm tra tại Công ty TNHH sản xuất và Thương mại Cát Quế và cơ sở của hộ ông Quàng Văn Thắng bản Muổi Nọi A, xã Muổi Nọi.

Đoàn kiểm tra của UBND huyện Thuận Châu kiểm tra tại Cty Cát Quế
Đoàn kiểm tra của UBND huyện Thuận Châu kiểm tra tại Cty Cát Quế

Tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Quế, quan sát quá trình xay sát cà phê quả tươi và hệ thống xử lý nước thải sau xay sát đều có hệ thống bể chứa và hệ thống xử lý nước thải; kiểm tra các khu vực xung quanh của Công ty không phát hiện cơ sở xả thải ra ngoài môi trường, quan sát các hệ thống bể chứa không phát hiện bể chứa nào rò rỉ hay bục vỡ.

Tổ công tác của UBND huyện Thuận Châu đã yêu cầu Công ty chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất cà phê theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Tại cơ sở của hộ ông Quàng Văn Thắng - Bản Muổi Nọi A, xã Muổi Nọi, hệ thống xay sát cà phê của hộ gia đình gồm 2 máy xay sát vỏ, quả cà phê tươi công suất khoảng 2 tấn/giờ; có 1 bể chứa nước thải khoảng 5 m3 thu gom nước trong quá trình xay sát; 1 máy bơm, bơm nước từ bể thu gom lên ao chứa cách khoảng 200m.

Tuy nhiên, hộ gia đình chưa được các cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đủ điều kiện sơ chế, sản xuất cà phê. Đoàn công tác đã lập biên bản và yêu cầu hộ gia đình dừng toàn bộ hoạt động xay sát, sơ chế cà phê đến khi thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường theo quy định.

Tiếp tục triển khai các giải pháp sớm khắc phục ô nhiễm

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Ngay khi nhận được thông tin về tình hình sự cố và ô nhiễm nguồn nước tại Trạm cấp nước số 1 TP Sơn La, Sở TN&MT đã chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành và các cơ quan có liên quan họp triển khai nhanh các nhiệm vụ. Ban hành Công văn khẩn số 3738/STNMT-QLMT ngày 5/12, về việc triển khai các nhiệm vụ phối hợp xác minh nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Theo đó, đã giao các Đoàn kiểm tra của TP Sơn La, huyện Thuận Châu và Mai Sơn khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra, phát hiện các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu xả nước thải/chất thải từ hoạt động sơ chế, chế biến cà phê, chăn nuôi gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Thống kê lập danh sách các tổ chức, cá nhân đang hoạt động sơ chế, chế biến cà phê khu vực đầu nguồn cấp nước sinh hoạt. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm, kịp thời ngăn chặn, đình chỉ hoạt động, yêu cầu khắc phục tình trạng ô nhiễm và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý. Báo cáo kết quả về Sở TN&MT trước 17h ngày 5/12.

Tổ kiểm tra số 1 kiểm tra tại Trạm cấp nước số 1 TP Sơn La
Tổ kiểm tra số 1 kiểm tra tại Trạm cấp nước số 1 TP Sơn La

 

Cty CP cấp nước Sơn La tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt và mức độ nguy cơ gây ô nhiễm, thường xuyên cập nhật báo cáo UBND tỉnh, qua Sở TN&MT ít nhất 1 lần/ngày. Phòng Cảnh sát Môi trường – Công an tỉnh Sơn La có kế hoạch sử dụng biện pháp nghiệp vụ và lực lượng công an điều tra phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sơ chế, chế biến cà phê gây ô nhiễm môi trường.

"Qua kiểm tra tại Trạm cấp nước thì nước không có màu đen, chỉ có mùi của nước thải cà phê. Tổ công tác số 1 đã đề nghị Công ty CP cấp nước Sơn La tạm dừng việc khai thác, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm; có biện pháp kỹ thuật thau rửa hệ thống sản xuất cấp nước sinh hoạt, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để tiếp tục hoạt động sau khi nguồn nước hết ô nhiễm, kịp thời cung cấp nước đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Trong thời gian nguồn nước bị ô nhiễm, có giải pháp điều hòa, phân phối các nguồn nước khác hoặc sử dụng nguồn nước dự phòng đảm bảo nhu cầu cấp nước cho nhân dân, không gây tình trạng thiếu nước sinh hoạt" – bà Lê Thị Thu Hằng thông tin.

Đồng thời, yêu cầu các huyện, thành phố thường trực theo dõi nắm bắt thông tin, kịp thời phản ánh báo cáo UBND tỉnh, qua Sở TN&MT, đảm bảo phản ánh kịp thời, chính xác chất lượng và hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành chuyên môn theo chức năng nhiệm vụ được giao, nhất là vai trò của người đứng đầu. Chịu trách nhiệm khi xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn hoặc phạm vi quản lý chuyên môn của ngành.

Cùng với đó, trước tình hình sự cố ô nhiễm nguồn nước hang Thẳm Tát Tòng và diễn biến phức tạp của hiện tượng xả thải từ hoạt động sơ chế, chế biến nông sản, Sở TN&MT đang tham mưu trình UBND tỉnh tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường triển khai các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt và ngăn chặn tình trạng xả thải trái quy định của pháp luật gây ô nhiễm môi trường.

Tiếp tục duy trì hoạt động các tổ kiểm tra theo Quyết định số 2199/QĐ-UBND ngày 7/10/2020 của UBND tỉnh và thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý môi trường tại Công văn 2167 ngày 14/8/2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý môi trường đối với các tổ chức cá nhân sản xuất, chế biến nông sản, chăn nuôi.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Theo thông tin từ Cty CP Cấp nước Sơn La, nguồn nước thô từ hang Tát Tòng là nguồn nước chính cấp cho Nhà máy nước số 1 Thành phố Sơn La bị ô nhiễm do nước thải chế biến cà phê. Nhà máy đã phải ngừng hoạt động từ 15 giờ ngày 4/12/2020 đến nay.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Công ty Cổ phần cấp nước Sơn La đã tăng cường khả năng cấp nước cao nhất tại các trạm bơm còn lại, điều tiết từ nguồn nước của xí nghiệp cấp nước thành phố số 2 (đáp ứng khoảng 50% nhu cầu); đồng thời điều tiết nước giữa các khu vực để hạn chế thấp nhất mức độ ảnh hưởng do thiếu hụt nguồn nước.

Bình luận

Facebook Chat
Mở Khung