Minh bạch kết quả quan trắc khí thải, huy động giám sát cộng đồng

Số lượng chất thải rắn phát sinh hàng ngày tại các đô thị có xu hướng ngày càng gia tăng. Vấn đề đặt ra là lựa chọn biện pháp xử lý rác thải nào phù hợp, vừa giải quyết được bài toán rác thải, vừa đáp ứng được yêu cầu kinh tế và bảo vệ môi trường?
20-08-2022
08:33

>> Thu gom xử lý rác thải công nghiệp

>> Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường

>> Đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại

Những năm gần đây, phương pháp đốt chất thải rắn được đưa vào áp dụng để giải quyết bài toán xử lý chất thải rắn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, khí thải phát sinh trong quá trình xử lý rác bằng phương pháp đốt lại đang là một bài toán khác đặt ra cho các nhà quản lý môi trường bên cạnh xử lý tro xỉ và tro bay.

Đối với khí thải, ngoài bụi và các khí thải thông thường như NOx, SO2, CO2,…, thì Dioxin/Furan trong khí thải các lò đốt là một thông số cần được quan tâm đặc biệt do tính độc và sự bền vững của nó trong môi trường.

Nhà máy điện rác

Đốt chất thải rắn có thành phần Clo, kim loại ở điều kiện nhiệt độ thấp là điều kiện thuận lợi để phát sinh Dioxin/Furan trong khí thải và tồn tại cả trong tro xỉ và tro bay. Vậy, giải pháp nào để kiểm soát khí thải của các nhà máy đốt chất thải rắn?

Các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT và các quy định về đánh giá tác động môi trường cho thấy, để các nhà máy xử lý rác đi vào hoạt động, nhà đầu tư phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu về đánh giá tác động môi trường, tham vấn cộng đồng và chuyên gia về báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng như công khai toàn bộ báo cáo đánh giá tác động môi trường để đảm bảo tính minh bạch và sự giám sát chặt chẽ của không chỉ các nhà quản lý mà cả cộng đồng dân cư.

Về mặt kỹ thuật, hiện đang có sự chênh lệch về nồng độ lớn nhất của Dioxin/Furan trong khí thải theo Quy chuẩn 61 (0,6 ngTEQ/Nm3) so với tiêu chuẩn của Châu Âu (0,1 ngTEQ/Nm3) và nhiều nước trên thế giới. Chính mức độ tiêu chuẩn này cũng đã và đang gây nhiều sự lo lắng cho các nhà khoa học khi đánh giá ảnh hưởng của nhóm chất này trong khí thải từ nhà máy đốt rác đến sức khỏe cộng đồng

Để hạn chế các ảnh hưởng của chất thải nói chung và khí thải nói riêng của các nhà máy đốt rác, có thể thực hiện một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định về quan trắc và giám sát khí thải, tro xỉ và tro bay theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, theo quy định tại Nghị định số 08/2022 trong quá trình vận hành nhà máy, các chủ đầu tư ngoài việc vận hành đầy đủ các công trình xử lý chất thải  theo giấy phép môi trường, phải thực hiện báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm các công trình xử lý môi trường. Đồng thời, cần công khai minh bạch kết quả quan trắc khí thải với sự giám sát không chỉ từ phía cơ quan quản lý mà cả cộng đồng dân cư, những người chịu tác động trực tiếp từ hoạt động của nhà máy.

Thứ ba, công tác thanh tra và kiểm tra cũng cần phải thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ với chế tài xử phạt theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP. Theo các Nghị định này, vi phạm về thực hiện quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, vi phạm về thực hiện giám sát và quan trắc môi trường, vi phạm về thải bụi, khí thải có chứa thông số ô nhiễm vào môi trường với các mức xử phạt cao nhất có thể lên đến hàng tỷ đồng.

Thứ tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần có những sự quan tâm nhất định để tăng cường năng lực cho các đơn vị trực thuộc Bộ có các phòng thí nghiệm môi trường để có đủ tư cách làm trọng tài trong vấn đề quan trắc và giám sát khí thải tại nhà máy xử lý rác.

Thứ năm, công tác kiểm kê khí thải cũng cần triển khai thực hiện một cách đồng bộ để có những đánh giá đầy đủ về lượng khí thải phát sinh dựa trên nguyên liệu đầu vào và công suất hoạt động của nhà máy bên cạnh kết quả quan trắc tự động liên tục và quan trắc định kỳ.

Bình luận

Facebook Chat
Mở Khung