Ngập cục bộ nhiều nơi ở Bắc Trung bộ
>> Thu gom xử lý rác thải công nghiệp
>> Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường
>> Đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại
Tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, mưa lớn cộng với triều cường dâng cao đã gây ngập lụt ở một số xã như: Quỳnh Lâm, Quỳnh Giang, Quỳnh Hồng, Quỳnh Mỹ... Nhiều gia đình đã sơ tán, di dời tài sản, vật nuôi từ đêm qua. Riêng tại xã Quỳnh Lâm, đến sáng nay có khoảng 1.500 nhà dân bị nước vào nhà.
Ông Nguyễn Đình Dung, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Bể đập, cao tốc chắn qua nên tiêu chậm, nước triều lên dẫn đến ngập vùng cao Sơn Lâm, vùng cao chưa bao giờ ngập thì giờ nước vào nhà. Khoảng 1.500 nhà dân bị nước vào nhà”.
Người dân Quỳnh Lưu đối mặt với ngập lụt
Hiện, địa bàn huyện Quỳnh Lưu có hai hồ chứa nước thuộc diện báo động cấp 2 với mức tràn gây lũ chỉ còn khoảng 30cm. Đó là hồ chứa 32, thuộc địa bàn hai xã Quỳnh Tam, xã Tân Sơn và hồ Khe Giang ở xã Ngọc Sơn. Riêng người dân ở vùng hạ lưu hồ chứa 32, lực lượng chức năng đang túc trực, theo dõi và di dời khi cấp bách.
Tình hình ngập lụt cũng đang diễn ra ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Chính quyền, người dân và lực lượng lượng chức năng đang theo dõi có biện pháp xử lý kịp thời. Mưa lớn cũng khiến một số tuyến đường bị nước tràn qua, nhiều điểm nguy cơ sạt lở cao, đặc biệt khu vực miền núi các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương… đợt mưa này đã kéo dài hơn 2 tuần, nước đã thẩm thấu.
Còn tại tỉnh Hà Tĩnh. Mưa lớn cũng gây ngập cục bộ một số khu dân cư. Lượng mưa 2 ngày qua tại huyện miền núi Hương Khê, đo được là hơn 255 mm, cùng với đó, nước từ thượng nguồn đổ về, khiến nhiều tuyến đường, cầu tràn bị ngập cục bộ. Đáng chú ý là cầu tràn vào trung tâm xã Hương Lâm bị ngập kéo dài, cô lập 46 hộ dân với 155 nhân khẩu là người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre xã Hương Liên.
Ông Phan Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cho hay: “Chỉ ngập cục bộ một số tuyến đường, cầu tràn, nước vào vườn theo thống kê là khoảng 174 hộ, mưa là ngập, cầu tràn chảy không kịp, hiện nay chưa đi được, chúng tôi đã làm rào chắn, cảnh báo ở 2 đầu cầu”.
Chính quyền và các lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, chủ động thực hiện phương án 4 tại chỗ để ứng phó kịp thời, hiệu quả trước nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng sơ tán, di dời dân ở những vùng có nguy cơ cao đến nơi an toàn...
Tại Thanh Hoá, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã phát đi Công điện số 20, phát lệnh báo động 1 trên sông Yên. Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Nông Cống, Quảng Xương, Nghi Sơn triển khai ngay việc: Tuần tra canh gác đê và hộ để theo các cấp báo động; Tổ chức kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều. Đặc biệt, các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn, chủ động triển khai phương án sơ tán dân sinh sống ở vùng bãi sông./.