Lòng tham vô tận

Lòng tham vô tận
17-08-2017
08:26

Môi Trường Chiêu Dương - Thông tin tỉnh An Giang cấm đánh bắt cá linh non chưa kịp làm nhiều người vui thì sự thật phũ phàng cũng đã phơi bày: Trên tất cả các cánh đồng hiện dày đặc các loại lưới vây bắt loài cá này. Không thể thoát và chưa kịp đến mùa sinh sản, cá linh đã bị tận diệt.

>> Thiết kế hệ thống xử lý khí thải

>> Lập báo báo giám sát môi trường định kỳ

>> Thu gom vận chuyển xử lý rác thải công nghiệp

Ngoài An Giang, tỉnh Đồng Tháp cũng quy định hạn chế đánh bắt cá đồng khi còn trong giai đoạn trưởng thành. Nhưng cấm cứ cấm, diệt cứ diệt. Con cá nào may mắn thoát khỏi những vùng lưới như thiên la địa võng sang tỉnh khác thì số phận cũng không khá hơn. Cá lớn cá bé, tất cả đều vào nồi, vào bụng của những người luôn tự nhận mình là người sành ăn. Sành ăn cái nỗi gì? Ăn tận diệt khi con cá, con cua chưa kịp lớn là tàn bạo chứ có gì là sành ăn.
 
Sự tận diệt cũng không dừng ở đó mà tràn ra từng vùng biển vốn đã cạn kiệt vì bị khai thác nhẫn tâm. Từng đoàn tàu trang bị lưới cào vét sạch tận đáy biển. Thuốc nổ được kích hoạt phá hủy bất kể thứ gì. Điện cao thế gí sát đáy biển không loài nào trốn thoát... Biển nào mà còn, tài nguyên nào không hết.
 
Hết biển đến rừng. Công cuộc khai hoang trong vài thập kỷ đã gần như xóa sạch rừng tự nhiên ở Tây Nguyên và bây giờ đang tiếp tục ở miền Trung và các tỉnh phía Bắc. Tiếp đó, rừng bị tàn sát tinh vi bằng những dự án được vẽ vời bởi các đại gia và quan chức. Thủy điện ùn ùn xây dựng thì rừng cũng ùn ùn sụp đổ. Cứ phăm phăm nhè vào rừng mà trục lợi, làm giàu, bất chấp hậu quả nhãn tiền về môi trường, thiên tai đổ xuống cho dân địa phương hứng chịu.
 
Những chuyện đó nào phải khuất lấp. Nó hiển hiện từng ngày trước mắt bao người và bao cơ quan chức năng nhưng vẫn không được ngăn chặn. Từ cơ quan ban ngành lớn nhỏ cứ hô hào, "Hãy bảo vệ rừng", "Bảo vệ nguồn lợi thủy sản", "Hãy gìn giữ mái nhà chung"... nhưng chỉ toàn là khẩu hiệu. Luật pháp chúng ta xây dựng khá đầy đủ, cơ quan chuyên ngành cũng trải khắp nhưng hiệu quả thực tế quá ít. Tỉnh, thành phố nào cũng có lực lượng kiểm lâm, bảo vệ thủy hải sản, kiểm ngư... nhưng tài nguyên thiên nhiên vẫn ngày càng bị tàn phá nghiêm trọng. Không lý do gì có thể biện hộ cho sự kém cỏi của các cơ quan chức năng nói trên.
 
Câu chuyện bảo vệ tài nguyên thiên nhiên không quá khó học. Các quốc gia lân cận như Thái Lan, Myanmar, xa hơn là Singapore, các nước châu Âu... đều có luật pháp bảo vệ tài nguyên và họ thực thi nghiêm ngặt. Đánh bắt hải sản phải tránh mùa sinh sản, không được bắt động vật chưa trưởng thành, tuyệt đối cấm khai thác những loài đang giảm số lượng... và ai động vào rừng cấm thì tù mọt gông. Lực lượng chức năng không thỏa hiệp với bất cứ ai, vì bất cứ lý do gì.
 
Đã qua rồi cái thời rừng vàng biển bạc. Thiên nhiên của chúng ta cũng chẳng còn nhiều. Không những không được tàn phá rừng, biển mà cả quốc gia phải bắt tay gầy dựng trở lại. Nuôi trồng thủy hải sản, gầy dựng lại rừng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học... thì may ra thế hệ con cháu còn có cái mà ăn, còn được thiên nhiên bảo bọc.
 
Tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, không vô tận, chỉ có lòng tham của con người là vô tận.

Bình luận

Facebook Chat
Mở Khung