Sở TN&MT Bến Tre: Đề xuất quy hoạch Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tập trung
>> Công ty Môi trường Chiêu Dương.
>> Lập báo cáo giám sát môi trường định kỳ
>> Nhận thu gom xử lí chất thải công nghiệp
Theo ngành chức năng Bến Tre, hiện tại, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh là 1.000 tấn/ngày, chưa kể lượng lớn rác thải sản xuất, kinh doanh dịch vụ,…; công tác thu gom và xử lý được khoảng 350 tấn/ngày tại bãi rác các huyện và Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre, phần còn lại xử lý tại hộ gia đình.
Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre được đầu tư xây dựng và bắt đầu hoạt động từ năm 2018 với công suất thiết kế khoảng 180 tấn/ngày; năm 2020 điều chỉnh nâng công suất thiết kế lên 250 tấn/ngày. Công nghệ xử lý chủ yếu là phân loại thu gom phế liệu, ủ phân compost và đốt.
Ông Trịnh Minh Khôi - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho biết, hiện nay, Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre chậm hoàn thành tiến độ đầu tư, hoạt động không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường. Sở TN&MT đã nhiều lần đánh giá chất lượng khí thải lò đốt của Nhà máy, kết quả quan trắc khí thải không đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; nước rỉ rác chưa được thu gom, xử lý; lượng rác tồn đọng tại Nhà máy trên 50.000 tấn.
Đồng thời, khả năng xử lý chỉ đạt 30% khối lượng rác tiếp nhận/ngày, lượng còn lại khoảng 70% được đổ tại bãi rác trong khu vực của Nhà máy. Dự báo, không quá 1 năm nữa thì Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre không còn khả năng tiếp nhận, xử lý rác thải. Nơi đây hiện là điểm ô nhiễm và sẽ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến khu vực xung quanh và gây bức xúc trong cộng đồng dân cư.
Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre được cho là hoạt động không hiệu quả
Cũng theo ông Trịnh Minh Khôi, ước tính đến năm 2025 lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh Bến Tre là 1.500 tấn/ngày, gồm: rác sinh hoạt, công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, y tế, bùn thải,… Như vậy, đến năm 2025, lượng rác thu gom được trên 700 tấn/ngày thì có thể phải phân chia thành 2 Khu liên hợp xử lý để từng bước đóng cửa bãi rác cấp huyện gây ô nhiễm môi trường.
Bởi thế, ông Trịnh Minh Khôi cho rằng, theo tính toán để bảo vệ môi trường về lâu dài thì diện tích đầu tư cho mỗi Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tối thiểu là 20ha với điều kiện phải áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để xử lý rác thải. Hơn nữa, theo định hướng phát kinh tế hướng Đông, lượng rác thải sẽ tăng dần ở khu vực ven biển trong thời gian tới.
Do đó, phương án dự phòng tiếp nhận rác thải của tỉnh trong trường hợp Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre không còn khả năng tiếp nhận xử lý là cấp thiết. Sở TN&MT thống nhất phương án quy hoạch Khu liên hợp xử lý chất thải rắn cấp tỉnh thuộc 2 khu vực: Kinh tế biển tại xã An Hiệp (Ba Tri) và Trung tâm đô thị tại xã An Thạnh (Mỏ Cày Nam). Cả 2 khu vực này được quy hoạch mở rộng trên nền bãi rác hiện hữu của huyện, mỗi khu rộng 20ha.
Ông Trịnh Minh Khôi cho hay, việc nâng cấp, cải tạo bãi rác An Hiệp (Ba Tri) để làm dự phòng trường hợp Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre không thể tiếp nhận xử lý rác thì chuyển rác ngay về đây để xử lý chôn lấp. Bãi rác này còn là địa điểm tiếp nhận xử lý rác lâu dài cho huyện và xây dựng thành Khu liên hợp xử lý rác của tỉnh.
Đồng thời, sử dụng bãi rác Châu Bình (Giồng Trôm) mới xây dựng để hỗ trợ dự phòng cho tỉnh. Song, bãi rác này có quy mô nhỏ, chỉ chia sẻ được một phần và sử dụng trong trường hợp cần thiết. “Qua đó, việc đề xuất phương án dự phòng tiếp nhận rác thải là để giải quyết vấn đề đầu tư và ô nhiễm môi trường đối với Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre” - ông Khôi thông tin.