Trị bệnh gây ô nhiễm môi trường

Liên tiếp trong những ngày gần đây, nhiều vụ doanh nghiệp xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường đã được các cơ quan chức năng phát hiện.
03-11-2022
08:48

>> Thu gom xử lý rác thải công nghiệp

>> Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường

>> Đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại

Đó là các vụ Công ty cổ phần Mía đường La Ngà bị UBND tỉnh Đồng Nai xử phạt hơn 4 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động 9 tháng vì xả thải trái phép. Còn Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Đại Nam bị cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu khắc phục hậu quả khi để chất thải chưa qua xử lý chảy tràn ra môi trường. Mới nhất là vụ Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) phối hợp với Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH Một thành viên môi trường Trà Vinh (tại xã Tập Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) chôn lấp trái phép khoảng 15.000 tấn chất thải rắn...

Toàn cảnh Nhà máy xử lý chất thải lỏng sinh hoạt của Công ty Đại Nam (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: TTXVN phát
Toàn cảnh Nhà máy xử lý chất thải lỏng sinh hoạt của Công ty Đại Nam (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: TTXVN phát

Hiểm họa từ ô nhiễm môi trường đã thấy rõ, nhưng để ngăn chặn triệt để lại hết sức phức tạp. Một số vụ việc doanh nghiệp vì lợi ích trước mắt, cục bộ mà làm ô nhiễm môi trường được phát hiện trong thời gian gần đây đã nói lên điều đó. Biết rõ hành vi xả chất thải chưa xử lý ra môi trường là vi phạm pháp luật, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm. Việc doanh nghiệp thiếu trách nhiệm trong ứng xử với môi trường, thì xã hội sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Phải khẳng định, trong hơn một thập kỷ qua, sự phát triển nhanh, mạnh của cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, vẫn còn không ít doanh nghiệp vì coi trọng lợi nhuận mà vi phạm luật pháp về bảo vệ môi trường.

Kết quả khảo sát từ 587 cụm công nghiệp trong cả nước gần đây cho thấy, chỉ có 9,4% số doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đủ tiêu chuẩn và khoảng 12,5% lượng nước thải được xử lý trước khi xả vào nguồn nước mặt. Lượng nước thải còn lại đều được xả thẳng vào hệ thống thoát nước và hệ thống kênh rạch, sông ngòi. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều con sông lớn trên cả nước đang đối mặt với tình trạng chết dần vì ô nhiễm.

Có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp không thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Rõ thấy nhất là lãnh đạo doanh nghiệp thiếu trách nhiệm với xã hội, họ tìm mọi cách trốn tránh các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường nhằm giảm bớt chi phí. Trong khi đó, những trường hợp vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính, hoặc mức phạt không đủ sức răn đe, nên nhiều doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt, thay vì phải bỏ ra nguồn kinh phí lớn đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải…

Một nguyên nhân khác, đó là sự thiếu trách nhiệm từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và chính quyền địa phương, nơi có doanh nghiệp đứng chân. Bảo vệ môi trường là vấn đề mang tính xã hội, nghĩa là tác động của sự cố môi trường sẽ gây ảnh hưởng xấu không chỉ với một doanh nghiệp, mà tới toàn thể xã hội, nên vấn đề bảo vệ môi trường nếu chỉ bó hẹp trong phạm vi một doanh nghiệp, chắc chắn sẽ nảy sinh những tác động tiêu cực.

Có một sự thật là nhiều địa phương chỉ chú trọng vào con số tài chính doanh nghiệp đóng góp, mà bỏ qua những mặt tiêu cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có vấn đề xả thải gây ô nhiễm môi trường. Thực tế, rất nhiều dự án tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vấn đề xử lý, thu gom chất thải phần lớn thả nổi, do doanh nghiệp tự thực hiện, thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương. Những vụ chôn lấp chất thải công nghiệp độc hại được phát hiện thời gian gần đây tại nhiều địa phương đã cho thấy, hoạt động quản lý chất thải công nghiệp đang bộc lộ nhiều vấn đề. Đặc biệt, việc giám sát, kiểm tra môi trường ở khu vực có cơ sở sản xuất công nghiệp thiếu tính hệ thống, thiếu sự kết nối giữa các cơ quan chuyên ngành và địa phương.

Sở dĩ tình trạng xả thải trái phép không được ngăn chặn triệt để, một phần vì doanh nghiệp thiếu ý thức chấp hành pháp luật, một phần là sự tắc trách, tiêu cực của một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ bảo vệ pháp luật. Có không ít bằng chứng về sự tiếp tay, bao che và thông đồng của một vài cán bộ thực thi công vụ với doanh nghiệp để che chắn các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Khi doanh nghiệp vi phạm không bị xử lý, dẫn tới luật pháp trong lĩnh vực này trở nên lỏng lẻo và thiếu hiệu quả. Do vậy, vấn đề đặt ra cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải từ các doanh nghiệp. 

Để tạo sự thay đổi căn bản, toàn diện về bảo vệ môi trường, không thể chỉ trông chờ vào ý thức tự giác của các doanh nghiệp, mà đòi hỏi phải có những quy định và chế tài rõ ràng, nghiêm khắc từ phía cơ quan chức năng.

Có ý kiến đề nghị, cùng với việc kiện toàn hệ thống kiểm tra, giám sát từ phía cơ quan quản lý nhà nước, cần mở rộng quyền giám sát của các tổ chức xã hội, người dân. Bởi vấn đề bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của toàn xã hội, mỗi cá nhân, đơn vị phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình, tạo ra sự chuyển biến tích cực, tiến tới ngăn chặn triệt để tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Bình luận

Facebook Chat
Mở Khung