Mùa hè sẽ kéo dài 6 tháng?
>> Công ty Môi trường Chiêu Dương.
>> Lập báo cáo giám sát môi trường định kỳ
>> Nhận thu gom xử lí chất thải công nghiệp
Nghiên cứu vừa được đăng trên Geophysical Research Letters, tạp chí về các ngành khoa học Trái đất và không gian.
Vào những năm 1950, ở Bắc bán cầu, 4 mùa diễn ra khá đều đặn. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ và bất thường về độ dài và thời điểm bắt đầu của các mùa, khiến cho chúng có thể trở nên khắc nghiệt hơn trong tương lai.
“Mùa hè sẽ trở nên dài và nóng hơn, trong khi mùa đông ngắn và ấm hơn do hiện tượng nóng lên toàn cầu”, ông Yuping Guan, nhà hải dương học tại Phòng Thí nghiệm trọng điểm về hải dương học nhiệt đới, Học viện Khoa học Trung Quốc, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu lịch sử về khí hậu hằng ngày từ năm 1952 đến năm 2011 để đo những thay đổi về độ dài và thời gian bắt đầu của 4 mùa ở Bắc bán cầu. Tiếp đó, họ sử dụng các mô hình biến đổi khí hậu đã được thiết lập để dự đoán các mùa sẽ thay đổi thế nào trong tương lai.
Kết quả cho thấy, trung bình, từ năm 1952 đến năm 2011, mùa hè tăng từ 78 lên 95 ngày, trong khi đó mùa đông giảm từ 76 xuống 73 ngày. Mùa xuân và mùa thu cũng giảm tương ứng từ 124 xuống 115 ngày và 87 xuống 82 ngày. Theo đó, mùa xuân và mùa hè bắt đầu sớm hơn, còn mùa thu và mùa đông bắt đầu muộn hơn. Ngoài ra, khu vực Địa Trung Hải và cao nguyên Tây Tạng trải qua những thay đổi lớn nhất trong chu kỳ mùa.
Các nhà nghiên cứu dự đoán, nếu những xu hướng này vẫn tiếp tục mà không có bất kỳ nỗ lực nào để giảm thiểu biến đổi khí hậu thì vào năm 2100, ở Bắc bán cầu, mùa đông sẽ chỉ kéo dài hơn 2 tháng, mùa hè kéo dài 6 tháng.
“Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự thay đổi các mùa trong năm gây ra những rủi ro đáng kể về môi trường và sức khỏe. Ví dụ: Các loài chim thay đổi mô hình di cư và cây cối ra hoa vào những thời điểm khác biệt so với trước. Sự thay đổi này có thể khiến cho các loài động vật và nguồn thức ăn của chúng bị lệch nhau, phá vỡ cộng đồng sinh thái”, ông Gupin nói.
Ảnh hưởng cực đoan
Những thay đổi về mùa có thể gây ra những hậu quả cực đoan hơn. Ông Congwen Zhu, nhà nghiên cứu gió mùa tại Học viện Khoa học Khí tượng Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết: “Một mùa hè nóng hơn và kéo dài hơn sẽ khiến gia tăng các đợt sóng nhiệt và cháy rừng. Ngoài ra, mùa đông ấm hơn và ngắn hơn có thể ra các đợt lạnh và bão tuyết cực đoan, giống như ở Texas (Mỹ) và Israel thời gian vừa qua.
Ông Scott Sheridan, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Kent State cho biết: “Nghiên cứu trên là điểm khởi đầu mang tính bao quát để hiểu được sự tác động của thay đổi giữa các mùa. Thật khó để khái niệm hóa mức tăng nhiệt độ trung bình, nhưng tôi cho rằng việc nhận ra sự thay đổi này sẽ giúp chúng ta cảm nhận được nhiều hơn về những thay đổi tiềm ẩn mà biến đổi khí hậu đang gây ra, từ đó giúp chúng ta có hành động phù hợp”.