An toàn thực phẩm dịp Tết: Đến hẹn lại… lo!

Đã thành thông lệ, cứ vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân luôn tăng mạnh. Cùng với nỗi lo về giá cả thì vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là điều khiến người tiêu dùng lo lắng. Việc này càng có cơ sở khi các cơ quan chức năng vẫn gặp nhiều khó khăn trong "cuộc chiến" chống lại thực phẩm bẩn.
17-12-2019
08:21

Công ty Môi trường Chiêu Dương

>> Lập báo cáo giám sát môi trường định kỳ

>> Nhận thu gom xử lí chất thải công nghiệp

Lực lượng chức năng kiểm tra việc bảo quản thực phẩm tại một nhà hàng trên địa bàn quận Ba Đình. Ảnh: Xuân Lộc

Vẫn khó kiểm soát an toàn thực phẩm

Từ hai năm nay, cứ đến gần Tết Nguyên đán, gia đình anh Nguyễn Thế Mạnh (ở ngõ 33 phố Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) lại lên kế hoạch đặt thực phẩm sạch ở quê. Anh Mạnh cho biết: “Do lo ngại vấn đề an toàn thực phẩm nên gia đình tôi cùng hàng xóm chung nhau đặt mua lợn sạch tại trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên...”.

Không tin tưởng, lo ngại thực phẩm bẩn là tâm lý chung của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Việc này là có cơ sở khi càng gần Tết Nguyên đán, cơ quan chức năng phát hiện càng nhiều vụ vận chuyển thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc vào thị trường. Mới đây, ngày 9-12, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện gần 12 tấn nội tạng động vật đã bốc mùi, không có chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có tem kiểm dịch động vật đang trên đường vận chuyển đến các điểm tiêu thụ tại Hà Tĩnh và Hà Nội. Trước đó, cơ quan chức năng của Hà Nội cũng phát hiện một xe máy chở 4 thùng xốp chứa 110kg trứng gà non đang chảy nước và bốc mùi hôi thối.

Trước thực trạng trên, nếu cơ quan chức năng không kiểm soát tốt thì nguy cơ người dân phải sử dụng thực phẩm bẩn mà không biết là rất cao. Ngay trong tháng 12-2019, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của thành phố do Sở Y tế Hà Nội chủ trì đã làm việc với một số quận, huyện về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp cuối năm. Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung đánh giá, công tác quản lý an toàn thực phẩm hiện vẫn chưa triệt để và còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Tại quận Nam Từ Liêm, Phó Trưởng phòng Y tế quận Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, quận vừa triển khai chuyên đề đồ nướng và tiến hành kiểm tra 50 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, đồng thời lấy mẫu kiểm nghiệm và phát hiện 11,8% mẫu thức ăn (đồ nướng) dương tính với chất gây ung thư. Tuy nhiên, có thực tế là nếu cấp quận ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì 100% cơ sở tuân thủ, còn ở cấp phường, tỷ lệ này chỉ đạt 80%.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Khắc Vững thông tin, khi tiến hành thanh tra, có cơ sở đối phó bằng cách dừng hoạt động hoặc thông báo chủ cơ sở đi vắng… Một số trường hợp khi lực lượng chức năng phát hiện sai phạm, họ chấp hành lập biên bản nhưng lúc có quyết định xử phạt thì chống đối bằng cách chuyển địa điểm kinh doanh, đổi tên cơ sở.

Còn tại quận Ba Đình, trong năm 2019, 30 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của quận, phường đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 541 cơ sở với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, Trưởng phòng Y tế quận Ba Đình Hoàng Hy Thiêm nêu thực tế, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, thường xuyên biến động về loại hình kinh doanh, địa điểm, nhân viên… gây khó khăn cho công tác quản lý; một số tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ, vẫn còn hiện tượng lén lút mua, bán, giết mổ gia cầm sống không qua kiểm dịch thú y…

Hằng tuần, công khai cơ sở vi phạm

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của thành phố do Sở Y tế Hà Nội chủ trì kiểm tra việc bảo quản thực phẩm tại một nhà hàng trên địa bàn quận Ba Đình. Ảnh: Xuân Lộc

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lo ngại, năm nay, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày, sau đó là lễ hội Xuân 2020 diễn ra trên phạm vi cả nước. Đây cũng chính là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm. Do việc cung cấp thực phẩm, kinh doanh ăn uống dịp lễ hội mang tính thời vụ nên kỹ năng về an toàn thực phẩm của những người kinh doanh chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, nguồn nước sinh hoạt, điều kiện cơ sở vật chất mang tính chất tạm bợ, chưa thành hệ thống. Chỉ một trong những hành vi như kinh doanh ăn uống gần khu vực xả rác, dùng tay không chế biến, bốc đồ ăn chín, vệ sinh dụng cụ, bát đĩa không sạch... đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Với mục tiêu hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cho biết, hiện từ cấp Trung ương đến các tỉnh, thành phố đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm và bắt đầu ra quân từ ngày 15-12-2019 đến 25-3-2020. Yêu cầu đặt ra là phải tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất và có sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của tất cả các cấp, ngành, địa phương để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; trong đó sẽ đặc biệt lưu ý tại khu vực cửa khẩu.

Riêng tại địa bàn Thủ đô, theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố, dịp Tết năm nay, ngoài 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố; các đoàn kiểm tra liên ngành của 30 quận, huyện, thị xã; 584 xã, phường, thị trấn còn có sự vào cuộc của các đoàn thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm của 100% quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

"Trong quá trình triển khai, các đoàn kiểm tra, thanh tra cấp cơ sở, nhất là cấp phường nếu có khó khăn, vướng mắc cần liên hệ với cơ quan chức năng của thành phố để được hỗ trợ. Cùng với đó, thành phố cũng tăng cường nguồn lực để kiểm nghiệm các mẫu thực phẩm do các đoàn thanh tra, kiểm tra gửi đến để có kết quả sớm. Hằng tuần, sẽ công khai các cơ sở, cá nhân vi phạm, từ đó đưa ra những cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng", Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2019, trên địa bàn cả nước xảy ra 63 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1.723 người bị ngộ độc, trong đó có 9 trường hợp tử vong. Riêng dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, cả nước đã có hơn 3.700 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa.

Bình luận

Facebook Chat
Mở Khung