Bốn năm thực hiện hạ ngầm cáp điện, viễn thông: Đường phố bớt hẳn ''rác trời''
>> Công ty Môi trường Chiêu Dương.
>> Lập báo cáo giám sát môi trường định kỳ
>> Nhận thu gom xử lí chất thải công nghiệp
Sau khi hạ ngầm đường dây điện lực, viễn thông, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phong quang. Trong ảnh: Tuyến đường Xã Đàn văn minh, sạch đẹp (ảnh chụp chiều 12-8). Ảnh: Viết Thành
Đường phố phong quang, sạch đẹp
Nhằm xóa “rác trời”, ngày 4-6-2016, UBND thành phố Hà Nội đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) thực hiện hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông và điện lực theo phương thức xã hội hóa. Năm 2017, thêm 2 đơn vị là Công ty cổ phần Viễn thông FPT và Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC; năm 2018, thêm Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và xây dựng đô thị Hà Nội tham gia. Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã phê duyệt 5 đợt hạ ngầm tại 255 tuyến phố.
Thông tin về kết quả sau 4 năm triển khai, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Các đơn vị đã bố trí trên 2.700 tỷ đồng đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và thực hiện thanh thải, hạ ngầm đường dây. Đến nay, các đơn vị viễn thông hoàn thành hạ ngầm tại 140/255 tuyến phố. Trong đó, VNPT Hà Nội hoàn thành 50/58 tuyến; Viettel 29/68 tuyến; MobiFone 12/13 tuyến; FPT 38/60 tuyến; CMC 4/10 tuyến; Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và xây dựng đô thị Hà Nội 7/46 tuyến. Về điện lực, EVN Hà Nội tham gia đầu tư 4 đợt (177 tuyến) và đã hoàn thành 138 tuyến.
Đồng hành cùng thành phố xóa “rác trời”, Trưởng phòng Đầu tư VNPT Hà Nội Nguyễn Duy Nghiêm chia sẻ: VNPT Hà Nội luôn ý thức đến các hoạt động vì lợi ích cộng đồng, trong đó có việc giữ gìn, bảo đảm cảnh quan cho Thủ đô Hà Nội. Triển khai thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn VNPT và thành phố Hà Nội, VNPT Hà Nội luôn nỗ lực bảo đảm tiến độ cam kết. Năm 2020, Tập đoàn VNPT đã phê duyệt nguồn vốn đầu tư để VNPT Hà Nội sớm hoàn thành các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng đánh giá: Nhìn chung, các đơn vị đều khẩn trương phối hợp triển khai thi công. Cảnh quan đô thị tại các tuyến phố sau khi hoàn thành hạ ngầm, cắt hạ dây cũ, cột cũ đều phong quang, khang trang; bảo đảm an toàn giao thông, an toàn phòng, chống cháy nổ.
Ghi nhận tại những tuyến phố đã hoàn thành hạ ngầm như: Nhà Thờ, Quang Trung, Lò Đúc, Ngọc Hà, Đội Cấn, Quốc Tử Giám, Nghĩa Tân... mỹ quan đô thị cải thiện rõ rệt, được đông đảo người dân ghi nhận. Chị Nguyễn Thị Vân (số 56 Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Trước đây, hình ảnh dây cáp chằng chịt trên nhiều tuyến đường rất tức mắt. Sau khi được hạ ngầm, cảnh quan, không gian phong quang, diện mạo đô thị đẹp hơn, văn minh hơn rất nhiều".
Công nhân EVN Hà Nội thanh thải đường dây điện tại phố Đội Cấn (quận Ba Đình), ảnh chụp năm 2019. Ảnh: Đỗ Tâm
Đẩy nhanh tiến độ thi công hạ ngầm
Bên cạnh kết quả rất đáng ghi nhận trên, thực tế công tác hạ ngầm trong 4 năm qua còn chậm so với yêu cầu. Hiện, còn 38 tuyến phố đang làm thủ tục xin cấp phép thi công; 74 tuyến đang lập thiết kế, đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công; 4 tuyến xin tạm dừng thi công phần viễn thông do vướng mặt bằng hoặc chờ thực hiện đồng bộ với dự án giao thông khác...
Về nguyên nhân chậm tiến độ, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Bên cạnh việc chủ đầu tư bố trí vốn còn chậm; giữa các đơn vị điện lực, viễn thông chưa phối hợp nhịp nhàng (để hạn chế đào đi, đào lại nhiều lần) dẫn đến phải chờ nhau; thì việc thi công trên hiện trường chật hẹp, nhiều công trình ngầm, nổi là khó khăn lớn nhất. Thậm chí, nhiều nơi người dân cản trở việc xây dựng hạ tầng, không cho đặt tủ điện hạ thế, hòm công tơ hoặc phá hỏng sau khi nhà thầu lắp đặt...
Để tháo gỡ vướng mắc, UBND thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo hạ ngầm, Tổ công tác giúp việc đại diện là các sở, ngành, các chủ đầu tư, hằng tháng tổ chức họp kiểm điểm tình hình, tiến độ; lắng nghe và giải quyết các vướng mắc của chủ đầu tư, nhà thầu thi công trong quá trình triển khai... “Một số vụ việc cụ thể, Sở Xây dựng ra văn bản đề nghị chính quyền cấp quận, phường phối hợp với chủ đầu tư vận động nhân dân ủng hộ chủ trương của thành phố. Trong nhiều trường hợp, Sở Xây dựng còn mời các đơn vị liên quan cùng xuống hiện trường, thống nhất phương án giải quyết...”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công hạ ngầm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng cho biết: Mới đây, Sở đã có văn bản đôn đốc các đơn vị khẩn trương hoàn thiện hồ sơ xin giấy phép thi công các tuyến còn lại; triển khai thi công đối với các tuyến đã có giấy phép và khẩn trương nghiệm thu, bàn giao hệ thống hạ tầng, hạ ngầm các đường dây đối với các tuyến đã thi công xong hạ tầng. UBND thành phố cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp thi công đồng bộ và yêu cầu UBND các quận tăng cường kiểm tra, bảo đảm vệ sinh môi trường, chất lượng hoàn trả hè đường...
Thực tế, đây là những dự án xã hội hóa, công tác thực hiện hạ ngầm hoàn toàn do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Mặc dù việc triển khai còn khó khăn, song cũng phải ghi nhận sự nỗ lực lớn của các chủ đầu tư, đơn vị thi công và các đơn vị liên quan của thành phố, nhằm xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố “không dây” an toàn, khang trang, sạch đẹp.