Nghịch lý đầu nguồn “lũ đẹt”, cuối nguồn ngập “lịch sử”
Công ty Môi trường Chiêu Dương
>> Lập báo cáo giám sát môi trường định kỳ
>> Nhận thu gom xử lí chất thải công nghiệp
Những ngày qua người dân TPHCM khốn khổ vì triều cường dâng cao. Ảnh: M.Q
Ngập lụt lịch sử
Sáng 30.9, tại TP.Cần Thơ, triều cường đạt đỉnh 2,25m, vượt mức triều kỷ lục 2,23m của năm 2018. Các tuyến đường chính trong thành phố đều ngập nặng, nhiều nơi hơn nửa mét. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, ít nhất 60 tuyến đường ở quận Ninh Kiều bị ngập, nước tràn qua tất cả bờ, đi vào khu vực nội ô. Đây được xem là lần ngập lụt nặng nhất ở Cần Thơ được ghi nhận, chưa bao giờ người dân ở TP.Cần Thơ chịu cảnh ngập lụt nặng nề như những ngày qua.
TP.Vĩnh Long cũng vừa trải qua đợt ngập lụt nặng nhất lịch sử từng ghi nhận, mực nước đo được là 2m18, cao hơn đợt ngập năm rồi 31cm, làm hầu như toàn bộ các tuyến đường nội thị đều bị ngập nặng. Các đô thị ở hạ lưu sông Mekong khác như Mỹ Tho, Bến Tre, Sóc Trăng, Vị Thanh… cũng chịu cảnh ngập lụt nặng nhất từng được biết đến. Không chỉ các đô thị, mạng lưới giao thông ở ĐBSCL cũng bị ngập nặng nề. Theo ghi nhận của Cục Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ), có 7 tuyến quốc lộ ở ĐBSCL với 31 điểm bị ngập những ngày qua. Nặng nề nhất là đoạn QL1 từ TP.Cần Thơ đi Vĩnh Long, có những khu vực đường ngập trên dưới 0,5m, làm toàn bộ xe gắn máy và hầu hết xe ôtô 4 chỗ không thể lưu thông.
Trong khi đó, mùa lũ năm 2019 ở ĐBSCL được ghi nhận là “lũ đẹt”, “lũ kiệt”, mực nước lũ đầu nguồn thấp hơn năm rồi, rất thấp so với những năm lũ lớn trước đó. Đỉnh lũ đầu nguồn năm nay được ghi nhận tại Tân Châu chỉ đạt 3,63m (ngày 17.9), chỉ cao hơn mức báo động 1 là 0,13m; thấp hơn năm rồi (4,09m, cao hơn mức báo động 2). Do năm nay “lũ đẹt”, bà con nông dân vùng đầu nguồn sông Mekong và vùng Đồng Tháp Mười cuộc sống thêm khó khăn do mất đi nguồn lợi thủy sản do lũ mang về.
Do cả thiên nhiên và con người
Vì sao có sự trái khoáy khi mùa lũ năm 2019 ở ĐBSCL là “lũ đẹt”, trong khi vùng hạ lưu lại bị ngập nặng “lịch sử”? “Thủ phạm” đầu tiên được chỉ tên là “triều cường”, nhưng triều cường thì năm nào cũng như nhau, có biến đổi cũng rất chậm!
Kỹ sư ngành thủy văn Nguyễn Thị Duyên (Đài Khí tượng - Thủy văn Long An) lý giải: Đỉnh lũ sông Mekong xuất hiện ở đầu nguồn vào ngày 17.9 (Tân Châu) và di chuyển dần xuống hạ lưu. Đến cuối tháng 9, đỉnh lũ về đến hạ lưu, tình cờ gặp ngay đợt triều cường “con nước 30” (ngày 30 âm lịch) đã đẩy mực nước khu vực Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang… lên cao. Những đám mưa lớn trên vùng ĐBSCL trong thời gian ấy càng làm cho ngập lụt lên cao đột biến. Đó là những nguyên nhân hoàn toàn khách quan, do ngẫu nhiên.
QL1 đoạn qua tỉnh Vĩnh Long bị ngập nặng tối 29.9. Ảnh: K.Q
Cũng theo kỹ sư Nguyễn Thị Duyên, ngập lụt vùng ĐBSCL có xu hướng “năm sau cao hơn năm trước” còn do các nguyên nhân chủ quan, do sự tác động của con người. Chính con người gây ra biển đổi khí hậu, làm nước biển dâng, mà vùng ĐBSCL là khu vực dễ bị tổn thương nhất. Cũng chính những hoạt động không được kiểm soát của con người là nguyên nhân làm cho vùng ĐBSCL đang bị lún, mà theo khảo sát của một tổ chức nước ngoài, khu vực nặng nhất có thể lún tới 2 - 4cm mỗi năm. Tình trạng nhiều nơi làm đê bao để làm lúa 3 vụ đã ngăn không cho nước lũ lan ra cả vùng mà chỉ tập trung trên dòng chính. Vì vậy mà tuy lượng nước về ĐBSCL năm nay không nhiều, nhưng mực nước trên các dòng chính lại tăng cao, gây ra ngập lụt.