Cảnh báo tình huống rất nguy hiểm trong bão số 10

Tuy sức gió không mạnh, nhưng bão số 10 gây mưa lớn khiến các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên lũ dâng cao trở lại, vùng núi có nguy cơ rất cao lũ quét, sạt lở đất.
04-11-2020
08:21

>> Công ty Môi trường Chiêu Dương.

>> Lập báo cáo giám sát môi trường định kỳ

>> Nhận thu gom xử lí chất thải công nghiệp

đường đi bão số 10
Đường đi bão số 10
 
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 22 giờ ngày 3.11, tâm bão số 10 ở vào khoảng 14,7 độ vĩ bắc và 114,4 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 340 km về phía đông nam. Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất ở cấp 8, tương đương sức gió từ 60 - 75 km/giờ, giật cấp 10.
Đến 22 giờ ngày 4.11, vị trí tâm bão cách Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 270 km về phía đông. Vùng gần tâm bão sức gió mạnh nhất ở cấp 8 - cấp 9, tương đương 60 - 90 km/giờ, giật cấp 11. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông có gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên là từ vĩ tuyến 12,0 - 16,5 độ vĩ bắc; từ kinh tuyến 110,0 - 117,0 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Vùng ven biển nguy hiểm từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 3.11, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho hay bão số 10 không phải là cơn bão mạnh, chỉ ở cấp 8 - cấp 9, nên cường độ và hướng di chuyển tiếp theo sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố ngoại lực, khi đó tính chất cơn bão sẽ thay đổi rất nhanh.
Một đặc điểm đặc biệt lưu ý là vùng mây đối lưu của cơn bão lệch về phía tây nên hoàn lưu bão sẽ gây mưa giông, lốc, gió giật mạnh ở ven biển và đất liền. “Đến chiều 4.11, khi còn cách đất liền khoảng 300 km, bão số 10 đã gây ra gió mạnh cấp 8, giật cấp 11 ở vùng ven biển, đất liền từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Đây sẽ là tình huống rất nguy hiểm đối với tàu, thuyền và lồng bè nuôi trồng thủy sản ở khu vực này”, ông Khiêm nói.
Do ảnh hưởng hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh, sẽ có mưa rất to ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Gia Lai từ ngày 4 - 6.11, với lượng mưa phổ biến 250 - 350 mm/đợt.
 
Các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Phú Yên có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm/đợt. Sang ngày 5 - 7.11, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm/đợt. Các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên sẽ có lũ dâng cao trở lại; vùng núi có nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
 

Chủ động sơ tán dân

Chiều 3.11, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đã ký văn bản yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 10, tình hình mưa lũ để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Theo đó, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước. Việc sơ tán dân phải hoàn thành trước 11 giờ ngày 4.11, đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân và khách du lịch ven biển, trên đảo..., kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè.
Kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ, chỉ đạo người dân tự dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 - 10 ngày. Ngoài ra, tổ chức kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du hồ chứa, đặc biệt lưu ý đến các hồ chứa thủy lợi đã tích đầy nước...

Tiếp tục tìm kiếm nạn nhân mất tích ở Quảng Nam

Theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, đến 17 giờ ngày 3.11, bão số 9 và mưa sau bão đã làm 39 người chết (Nghệ An 10 người, Quảng Nam 27 người, Gia Lai 1 người và Đắk Lắk 1 người); 44 người vẫn còn mất tích (Quảng Nam 20 người, Bình Định 23 người và Kon Tum 1 người).
Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân mất tích ở xã Phước Lộc
 
 
Chiều 3.11, thiếu tướng Hứa Văn Tưởng, Phó tư lệnh Quân khu 5, thông tin hơn 500 cán bộ chiến sĩ Quân khu 5, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh Quảng Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm 14 người mất tích trong vụ sạt lở núi ở Trà Leng (H.Nam Trà My, Quảng Nam). Các cán bộ, chiến sĩ chia thành 2 mũi, một mũi đào bới khu vực hiện trường, mũi khác dùng thuyền máy tìm kiếm trên sông Leng và lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Tuy nhiên, việc tìm kiếm chưa có kết quả.
Trong khi đó, UBND H.Phước Sơn (Quảng Nam) cho hay đã huy động hàng trăm người tìm kiếm 4 nạn nhân mất tích còn lại trong vụ lở núi ở xã Phước Lộc nhưng vẫn chưa có kết quả. Hiện đã tìm được 9 thi thể nạn nhân, trong đó có 6 trẻ em từ 4 đến 9 tuổi.

Bình luận

Facebook Chat
Mở Khung