Làng nghề truyền thống thành lập cụm công nghiệp nhưng vẫn ô nhiễm

Làng Triều Khúc, xã Tân Triều (Thanh Trì – Hà Nội) là một làng nghề truyền thống có từ lâu đời. Từ khi thành lập cụm công nghiệp làng nghề, những tưởng môi trường sẽ được cải thiện, nhưng không phải vậy.
29-11-2019
08:31

Công ty Môi trường Chiêu Dương 

>> Lập báo cáo giám sát môi trường định kỳ

>> Nhận thu gom xử lí chất thải công nghiệp

Con mương ô nhiễm bốc mùi ở Triều Khúc

Con mương ô nhiễm bốc mùi ở Triều Khúc

Quy hoạch cụm công nghiệp nhưng chưa xử lý được ô nhiễm

Làng Triều Khúc có nghề đồng nát, lông gà lông vịt và tái chế nhựa. Nghề tồn tại với làng bao nhiêu năm mà ít ai phải than thở về nạn ô nhiễm mỗi trường.

Nhưng khoảng hơn chục năm về trước, tình trạng ô nhiễm bắt đầu bùng phát mạnh. Chính quyền địa phương xây dựng phương án thành lập khu công nghiệp để các hộ làm nghề ra đó sản xuất tập trung, tránh ô nhiễm.

Theo ông Đỗ Đình Long, cán bộ phụ trách môi trường xã Tân Triều thì năm 2009 khu công nghiệp làng nghề chính thức được thực hiện với tổng diện tích 105.717m2 trên diện tích đất thuê 50 năm.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì tại cụm công nghiệp này có rất ít các hộ sản xuất nghề truyền thống mà hầu như là các công ty lớn trong ngành dệt may hoạt động.

Còn những người dân làm nghề truyền thống như tái chế nhựa, lông gà lông vịt, phế liệu… đó là những người hi vọng được ra cụm công nghiệp thì lại phải hoạt động tại gia đình.

Sau khi cụm công nghiệp làng nghề xây dựng xong, Nhà nước tiến hành cho đấu giá những lô đất có diện tích rất lớn khiến các hộ sản xuất nhỏ lẻ không đủ khả năng. Quy định này chỉ tạo điều kiện cho những công ty có tiềm lực kinh tế gom đất.

“Trước đây, theo quy chế đấu giá thì cả cụm công nghiệp chỉ có 68 lô đất lớn, hiện tại thì đã chia ra hơn 200 lô. Tuy nhiên, các hộ sản xuất nhỏ lẻ vẫn không thể tham gia và họ hoạt động tại gia hoặc ven con đường”, ông Long cho hay.

Theo nhiều người dân làng Triều Khúc, việc quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề mà những hộ tham gia làm nghề truyền thống không đủ khả năng ra đó mới chỉ là một vế nhỏ. Vế lớn hơn, đáng ngại hơn là tình trạng ô nhiễm môi trường do chính cụm công nghiệp này tạo ra.

Theo khảo sát của chúng tôi, con mương bao quanh làng nghề bốc mùi hôi thối, nước đen đặc và đóng váng cùng cặn rác tích tụ.

Không những vậy, tình trạng tập kết phế liệu, như: Dây chuyền, ống thở, bơm tiêm và các loại phế phẩm bằng nhựa khác xếp đầy đường, có những đống cao hơn mái nhà.

Các hộ làm nghề tận dụng khoảng sân ít ỏi của gia đình để làm nơi tập kết, phân loại rác thải. Từng túi nhựa thải bị ủ lâu ngày, lẫn trong đó là đủ thứ tạp chất, dịch, thực phẩm bẩn nên khi trời mưa, nước cứ thế rỉ ra và bốc mùi hôi tanh nồng nặc.

Rác được vứt khắp nơi, có cả các loại lông vũ bay tứ tung. Đến các ngôi mộ ven đường cũng được người dân tận dụng để làm không gian phơi các loại lông gà lông vịt.

Đường làng ngõ xóm trong làng Triều Khúc dù đã được bê tông hóa, có nắp đậy song vẫn bốc mùi hôi thối do nước thải từ hoạt động sản xuất của các hộ làm nghề trong làng đều xả thẳng xuống cống.

Tại con đường mới của xã Tân Triều, cảnh phơi nhựa tái chế tràn lan dưới lòng lề đường. Hai bên đầy rẫy những bao tải phế phẩm; thậm chí trong các khu vườn (thực chất là phần đất nông nghiệp bị vượt trái phép – PV) cũng được người dân dùng làm nơi để rác.

Ngay cạnh Trường Tiểu học Tân Triều có một con mương, mùi bốc lên vừa thối vừa tanh. Nhiều phụ huynh cho rằng, đó là kết quả của việc tái chế nhựa và xử lý lông gà, lông vịt.

Theo người dân Triều Khúc, địa phương nhờ nghề truyền thống mà cuộc sống khấm khá hơn. Tuy nhiên, theo họ cứ với kiểu quy hoạch làng nghề như thế này thì cuộc sống dù đi lên nhưng môi trường ngày càng đi xuống tới mức tồi tệ.

Trạm xử lý để hoang

Mặc dù làng nghề bị ô nhiễm trầm trọng, thế nhưng trạm xử lý nước thải của cụm công nghiệp lại “đắp chiếu” cả chục năm qua. Hệ thống xử lý nước thải được xây dựng và hoàn thành năm 2007 với tổng kinh phí khoảng 1,3 tỷ đồng, nhưng từ khi xây dựng đến nay chưa từng vận hành.

Theo cách giải thích của ông Đỗ Đình Long, cán bộ phụ trách môi trường xã Tân Triều, thì: Trạm xử lý nước thải lập xong thì không có kinh phí nên không hoạt động. Hiện tại, Công ty Vạn Thuận là đơn vị quản lý cụm công nghiệp đã quản lý.

Làm việc với chúng tôi, bà Vũ Thị Minh Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CPĐT và KDXNK Vạn Thuận, cho biết: “Trạm xử lý nước thải cũ hoàn toàn không còn khả năng đáp ứng. Do vậy các cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp phải tự xây dựng các công trình xử lý nước thải”.

Như vậy, không chỉ là một nghịch lý mà còn là một bài học đau lòng khi để lãng phí tiền của Nhà nước trong việc xây dựng trạm xử lý nước thải. Đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm nên vào cuộc kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức đã “vẽ” ra một cái trạm xử lý tiền tỷ rồi để hoang hóa, han gỉ.

Môi trường bị ô nhiễm, nguồn nước bị nhiễm độc nghiêm trọng, tất cả các mương thoát nước trên địa bàn xã Tân Triều đều đóng váng. Đó là hệ quả bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy. Và chỉ trong tháng 10/2019, hệ quả nặng nề hơn mà cả người dân lẫn chính quyền địa phương đã nhận thấy đó là: Làng Triều Khúc của xã Tân Triều trở thành điểm nóng dịch sốt xuất huyết của TP Hà Nội. Gần 300 cán bộ Trung tâm y tế huyện Thanh Trì và nhân viên y tế thôn, cộng tác viên… phải ra quân tham gia chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại địa phương này.

“Hiện nay, đa số các công ty và cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong cụm công nghiệp làng nghề không đảm bảo vấn đề môi trường. Trước đây, khi chưa bàn giao cho Công ty Vạn Thuận thì địa phương vẫn có kế hoạch vệ sinh môi trường. Còn bây giờ, vấn đề ấy do Công ty Vạn Thuận chịu trách nhiệm”, ông Đỗ Đình Long, cán bộ phụ trách môi trường xã Tân Triều.

Bình luận

Facebook Chat
Mở Khung